W.com.vn

8 lưu ý trước khi quyết định mở rộng kinh doanh

1. Xác định rõ những mục tiêu khi chọn địa điểm

Một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến hiệu quả kinh doanh của cửa hàng là địa điểm. Do đó, trước khi quyết định chọn một vị trí cho cửa hàng tiếp theo của mình, bạn cần xác định rõ mục tiêu, mong muốn của mình bằng cách tự đặt ra các câu hỏi sau:

Mục tiêu chính trong việc mở rộng kinh doanh của bạn là gì? Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hay phát triển một thị trường mới?

Nếu việc mở rộng kinh doanh là giúp doanh nghiệp thoả mãn nhu cầu của khách thì bạn đã từng cân nhắc đến các giải pháp nào khác chưa? Bạn đã nghiên cứu kĩ liệu việc mở rộng kinh doanh có thật sự sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tăng được doanh số hay không? Bạn đã từng áp dụng các biện biện pháp khác nhau để tăng doanh số trước khi nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh không?

8 lưu ý trước khi quyết định mở rộng kinh doanh

Nếu việc mở rộng kinh doanh của bạn là nhằm xây dựng thương hiệu, tăng uy tín cho công ty, thì liệu những lợi ích vô hình ấy có xứng đáng với chi phí đã bỏ ra không?

Sớm xác định mục tiêu kinh doanh của quyết định mở rộng, cùng tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế ngoài mở một cửa hàng vật lý sẽ giúp bạn đảm bảo thành công tốt hơn.

Với việc xác định rõ mục tiêu sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát và hướng đi cụ thể hơn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, với sự suy xét cẩn thận sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tận dụng tốt hơn các nguồn lực có sẵn trước khi hướng tới những điều mới mẽ.

 

2. Tái lập thành công đã có

Kế thừa là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Khi đã đạt được những thành công nhất định thì bạn hãy tận dụng lại quy trình đã được kiểm chứng đó để tiếp tục mang đến những thành công tiếp theo. Nhưng vẫn có nhiều người chưa tận dụng tối đa các quy trình thành công có sẵn của mình. Nguyên nhân có thể đến từ việc họ đã bỏ qua các bước thống kê các yếu tố tạo nên sự thành công đó.

Do đó, nếu bạn muốn giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian thành công khi mở rộng việc kinh doanh thì hãy thật sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu đưa ra một quy trình thành công để áp dụng cho toàn hệ thống.

3. Xác định dòng tiền

Dựa vào các quy trình và dữ liệu sẵn có, hãy lên một  kế hoạch thật chi tiết, đặc biệt là xác định khung thời gian hoàn vốn cùa cửa hàng thứ hai của bạn. Với nguồn vốn hiện tại của doanh nghiệp thì có đủ trang trải các hoạt động của cửa hàng thứ hai trước khi hoàn vốn hay không? Nếu điều kiện không thuận lợi thì bạn sẽ dùng những nguồn vốn dự phòng nào?

Liệu doanh nghiệp của bạn có đủ nguồn vốn để điều hành các cửa hàng mới trong sự cạnh tranh của đối thủ không? Đây là những câu hỏi cũng là những phương án dự phòng mà bạn cần đưa ra trong kế hoạch để đảm bảo nguồn vốn của doanh nghiệp khi thực hiện mở rộng kinh doanh.

4. Đừng lan man

Mở một cửa hàng thứ hai hay mở một doanh nghiệp mới đều là những thử thách mà bạn phải thật kiên trì để vượt qua. Điều quan trọng là hãy thật tỉnh táo, kiên định vào mục tiêu đặt ra từ đầu, tránh xa đà vào những tô vẽ có phần xa rời thực tế ở những thời điểm ban đầu đầy sự phấn khích.

Nếu thiếu một hệ thống kinh doanh vững chắc, nhân sự phù hợp thì các doanh nhân sẽ gặp rủi ro lớn ở cửa hàng thứ hai, khi dàn trải nguồn lực ít ỏi ra diện rộng. Vì vậy, tham vọng nhưng phải thực tế. Từng bước mở rộng thị trường cần được cẩn trọng cân nhắc.

Khi mở rộng việc kinh doanh thì bộ máy quản lý của bạn cũng sẽ bị dàn trải. Điều này dẫn đến sự lúng túng ban đầu trong việc điều hành. Do đó, bạn cần chuẩn bị một hệ thống quản lý vững chắc, một nguồn nhân sự phù hợp, linh động, thích ứng nhanh với điều kiện mới. Và hãy thực hiện một cách chậm rãi, cẩn trọng. Phát triển doanh nghiệp vững chắc mới là điều bạn cần đạt đến.

5. Bảo vệ văn hóa công ty

Một khía cạnh vô hình khác của thử thách khi mở rộng kinh doanh chính là bảo vệ văn hóa hiện có của công ty. Khi thảo luận về quyết định mở văn phòng thứ hai của Mailchimp thì Jon Smith – phó giám đốc mảng chăm sóc khách hàng của công ty này đã bày tỏ quan điểm trên blog cá nhân của ông, rằng: “Điều quan trọng nhất chúng ta cần đảm bảo là duy trì kết nối giữa nhân viên và sứ mệnh, giá trị chung của công ty”.

Có nhiều cách để đảm bảo rằng văn hóa công ty có thể được giữ vững trong mạng lưới nhiều cửa hàng kinh doanh. Thông thường, người sáng lập, đồng sáng lập hoặc các nhân viên trung thành sẽ là người đảm nhiệm chính quá trình xây dựng, phát triển nơi văn phòng/cửa hàng kinh doanh mới. Nếu doanh nghiệp không xem trọng yếu tố này, văn hóa kinh doanh của công ty sẽ bị chao đảo, đặc biệt ở các ngành kinh doanh dịch vụ.

Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian đi đến thành công cho cửa hàng kế tiếp, thì bạn cần quan tâm đầu tư vào việc hoàn thiện mô hình kinh doanh ở cửa hàng hiện tại, theo hướng có thể áp dụng được cho các lần mở rộng tiếp theo.

Để đảm bảo mọi nhân viên đều kết nối với cùng một bầu văn hóa, doanh nghiệp cần tổ chức các cuộc họp định kỳ trực tuyến hoặc trực tiếp để thúc đẩy quá trình tìm hiểu lẫn nhau giữa nhân viên cũ và mới. Các chuyến du lịch chung của toàn công ty hàng năm cũng là cơ hội rất tốt để nhân viên mới thẩm thấu văn hóa chung của công ty.

6. Tìm hiểu thị trường

Một chiếc bẫy khác mà nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ thường vấp phải khi mở rộng kinh doanh chính là không nghiên cứu kỹ thị trường mới và nhận định không sát với thực tế khi ước đoán doanh thu của dự án mới.

Mở cửa hàng thứ hai đòi hỏi sự đầu tư về cả thời gian lẫn tài chính. Và ngay cả những thương hiệu lớn nhất thế giới như Best Buy, Target cũng từng thất bại lớn khi tiến vào thị trường mới. Đừng dẫm vào vết xe đổ của họ.

Hãy đảm bảo rằng bạn tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ càng để biết rõ công ty của bạn có thể đáp ứng hiệu quả nhất nhu cầu nào của khách hàng mục tiêu. Hãy “may đo” chiến lược kinh doanh sát với nhu cầu của thị trường ấy.

 

7. Xây dựng thương hiệu

Đối với một vài ngành kinh doanh, như tư vấn luật, công ty kiểm toán hay các dịch vụ tài chính khác, thì thương hiệu doanh nghiệp đa quốc gia sẽ là một lợi thế lớn trong kinh doanh. Yếu tố này gia cố thêm cho uy tín của thương hiệu công ty, góp phần thúc đẩy khách hàng lựa chọn dịch vụ/sản phẩm nhiều hơn.

Vì vậy, trong quá trình mở rộng kinh doanh, công ty của bạn cần có những chiến dịch truyền thông đảm bảo khách hàng mục tiêu biết đến những thay đổi này.

8. Đừng quên yếu tố luật pháp

Bất kể cửa hàng kinh doanh thứ hai của bạn đặt ở thành phố hay quốc gia nào mới, bạn cần đảm bảo kế hoạch kinh doanh của bạn tuân thủ theo đúng những quy định, luật lệ kinh doanh ở địa phương ấy. Ngoài ra, các quy định về thuế cũng như đăng ký kinh doanh cũng là điều bạn cần quan tâm tìm hiểu. Bạn đặc biệt cần đăng ký sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu nếu cửa hàng mới đặt ở một quốc gia khác.

Scroll to Top