W.com.vn

Xu thế quảng cáo mạng xã hội

 

Khi quảng cáo phi truyền thống “ăn” doanh thu của quảng cáo truyền thống

“Hãy nhìn quanh tôi đi, toàn những điều kỳ diệu”. Melissa Koh – Blogger thời trang, một ngôi sao trên mạng xã hội ở Singapore viết như vậy trên Instagram cá nhân của mình, sau chuyến đi du lịch tại tỉnh Yamagata, Nhật Bản.

Cô hiện sở hữu một tài khoản Instagram với hơn 220 nghìn lượt follower, các fan trung thành của cô luôn theo dõi sát sao thần tượng của mình. Họ thích thú với những chuyến du lịch của cô, họ tò mò xem cô lựa chọn nhãn hàng nào trong một pose hình mới. Đặc biệt, họ rất quan tâm đến quyết định mua sắm của cô.

Chuyến đi du lịch đến tỉnh Yamagata của Melissa Koh như đã nêu ở đầu, thực ra là do hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản – ANA tài trợ toàn bộ. Đây là một chiến dịch quảng cáo của hãng hàng không Nhật Bản hướng đến khách hàng tại khu vực Đông Nam Á.

Đây là một cách quảng cáo và tiếp cận khách hàng vô cùng thông minh. Những thông tin đăng tải thông qua mạng xã hội rất tự nhiên và phù hợp, những thông điệp đưa ra nhẹ nhàng, gây hứng thú cho người hâm mộ. Các số liệu cho thấy đây là một chiến dịch thành công với số hành khách sử dụng dịch vụ của hãng tăng lên đáng kể.

Ngày nay, trong môi trường internet, việc các doanh nghiệp trên thế giới tài trợ cho các ngôi sao quốc tế đăng các dòng trạng thái quảng cáo đã rất quen thuộc. Nhưng ở Đông Nam Á, hoạt động quảng cáo này mới bắt đầu phổ biến và bùng nổ trong một vài năm trở lại đây.

Theo tính toán của công ty quảng cáo Mỹ Ogilvy & Mather, ở Thái Lan, chi phí quảng cáo thông qua các mạng xã hội của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến đám đông đã chiếm từ 30 đến 40% tổng chi phí quảng cáo. 3 năm trước, con số này chỉ vỏn vẹn 15%. Một sự tăng trưởng rõ rệt. Điều này cho thấy, kênh quảng cáo truyền thống đang dần bị mất thị phần vào tay các hình thức quảng cáo qua mạng xã hội.

Ở Đông Nam Á, người dân dường như không quá thích thú với các tạp chí, các ấn phẩm về thời trang, du lịch. Vì vậy, việc quảng cáo thông qua các tạp chí có vẻ không được ưa chuộng ở đây. Nó khác rất nhiều với các thị trường Trung Quốc hay Nhật Bản, nơi mà lượng ân bản các loại tạp chí luôn ở mức cao.

Ngược lại, ở Đông Nam Á, mọi người dùng smartphone rất thường xuyên, hầu như mọi hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm đều có thể thực hiện trên chiếc điện thoại di động, đặc biệt là mạng xã hội rất được ưa chuộng ở khu vực này. Một công ty quảng cáo của Anh ước tính tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tại Brunei, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện lên đến trên 50%. Đây là một môi trường với tiềm năng vô cùng lớn, do đó các công ty quảng cáo không thể đứng ngoài cuộc, và họ đã xác định mạng xã hội chính là công cụ quảng cáo mũi nhọn nhắm tới thị trường Đông Nam Á.

Xu thế quảng cáo mạng xã hội
Xu thế quảng cáo mạng xã hội

Những ngôi sao của mạng xã hội và người theo dõi họ thường chia sẻ một số sở thích và giá trị chung. Chính vì vậy khi các ngôi sao đăng tải thông tin về nhãn hàng hay dịch vụ nào đó mà họ trải nghiệm, người hâm mộ họ thường có cảm giác thân quen, theo nghiên cứu được công bố bởi giám đốc trung tâm nghiên cứu cuộc sống ASEAN, ông Goro Hokari.

Việc tài trợ cho các dòng trạng thái quảng cáo cũng giúp cho sản phẩm hay dịch vụ đến được đúng với nhóm dân số mà nó hướng tới, chiến lược này vốn cực kỳ hiệu quả với các sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang hay thực phẩm.

Kênh quảng cáo hiệu quả cho nhiều ngành hàng?

Thành công của biện pháp quảng cáo trên không thể phủ nhận. Tại Thái Lan, dòng sản phẩm Senka chuyên chăm sóc da với mức doanh số đứng thứ 12 của thị trường đã nhanh chóng vươn lên đứng vị trí thứ 5 sau khi Shiseido chạy một chương trình quảng cáo thông qua mạng xã hội như vậy.

Hãng mỹ phẩm L’Oreal nổi tiếng thế giới cũng đang ký hợp đồng với hàng loạt ngôi sao mạng xã hội trên khắp thế giới để quảng cáo cho mỹ phẩm của hãng. Và chính các cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng cũng cho thấy họ thích hình thức quảng cáo mới này.

Tại sự kiện Influence Asia mới đây, 252 người được coi như có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng đã được mời đến, con số này cao hơn rất nhiều so với mức 180 vào năm 2015. Cùng lúc đó, các thống kê cho thấy số lượng các dòng trạng thái liên quan đến sự kiện tăng vọt 40%.

Và không chỉ các công ty trong ngành du lịch hay kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm, nhiều ngân hàng cũng đang hướng tới sử dụng kênh mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm của mình.

Ngân hàng DBS của Singapore mới đây đã ký hợp đồng với một số người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng xã hội để thu hút thêm người sử dụng các sản phẩm tài chính của họ.

Việc duy trì uy tín trên mạng xã hội là một thách thức không nhỏ. Có không ít công ty đã dùng chính nhân viên của mình giả làm khách hàng để quảng cáo về sản phẩm. Ngoài ra, từng có không ít người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng xã hội bị kiện vì nói xấu sản phẩm của đối thủ.

Chính phủ Singapore đã ra quy định rằng các dòng trạng thái quảng cáo phải được phân biệt rõ ràng với trạng thái thông thường. Ngoài ra, không ít người sử dụng mạng xã hội có lượng theo dõi cao cũng luôn có quan điểm cực độc lập, vì vậy không dễ để các nhà quảng cáo tiếp cận họ nếu sản phẩm muốn được quảng cáo không thực sự tốt.

Scroll to Top